Chốt chặn tỷ giá 2% chịu nhiều áp lực
Đồng đôla mạnh lên so với rổ tiền tệ nói chung khiến các chuyên gia cho rằng tỷ giá tiền đồng đang chịu nhiều áp lực, thách thức cam kết không điều chỉnh quá 2% trong năm nay.
Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân năm nay, Tiến sĩ Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định dù đã tăng 1% đầu năm, cùng với cam kết không điều chỉnh quá 2% của nhà điều hành, tỷ giá đồng Việt Nam so với đôla Mỹ vẫn chịu nhiều áp lực. Nguyên nhân được đưa ra là USD đã tăng giá nhiều so với các ngoại tệ khác, khiến dư địa ổn định với tiền đồng không còn nhiều...
Tiến sĩ Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội nhận định tỷ giá có xu hướng tăng mạnh trong những tuần cuối tháng 3 và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. "Dự báo đồng USD sẽ tiếp tục giữ vị thế cao so với các đồng tiền khác trong cả năm nay, khi kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt và là đầu tàu vững chắc của thế giới", vị này cho biết.
Hệ quả của điều này, theo ông Ân sẽ khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ có lợi hơn, nhưng lại tạo ra bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, vốn chủ yếu dùng đồng USD trong thanh toán quốc tế. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cũng như dân cư có xu hướng tự nắm giữ USD nhiều hơn, nhất là khi lãi suất tiền gửi USD vẫn giữ ở mức khá thấp hiện nay.
Vị này khuyến nghị các doanh nghiệp cần tính toán kỹ khi thanh toán hàng nhập khẩu bằng USD và các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc lợi ích dài hạn để ra quyết định điều hành tỷ giá theo cung - cầu thị trường.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằngNgân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn với dư địa còn lại 1%. "Nếu có phải điều chỉnh hơn 2%, trong hoàn cảnh bắt buộc thì vẫn phải làm, nhưng phải giải thích rõ hơn với doanh nghiệp, người dân", ông Lực phát biểu.
Trước vấn đề này, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến tỷ giá hàng ngày trong bối cảnh giá USD biến động. Tuy nhiên, hiện có nhiều yếu tố khiến nhà điều hành cho rằng chưa nên tăng tỷ giá. "Cần nhìn vào tổng thể. Hiện có tới 90% hàng hóa nhập khẩu là nguyên vật liệu nên tăng tỷ giá sẽ gây tác động mạnh", Phó thống đốc phát biểu. Bên cạnh đó, lạm phát đang ở mức thấp nhưng có thể tăng trở lại, nợ công cũng đang sát với ngưỡng cho phép.
"Tăng tỷ giá đồng nghĩa với việc tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. So sánh giữa lợi xuất khẩu, thiệt nhập khẩu và trả nợ nước ngoài thì phải thận trọng", lãnh đạo ngành ngân hàng cho hay. Tuy nhiên, với dự báo cán cân thanh toán tổng thể là 5 tỷ USD, đại diện Ngân hàng Nhà nước tin tưởng cơ quan quản lý sẽ chủ động kiểm soát được tình hình.